Mở trang “gốm mới” trên nền gốm cổ

Mở trang “gốm mới” trên nền gốm cổ

Huỳnh Văn Mỹ
Thứ Bảy,  7/3/2020, 07:32 

(TBKTSG) - Quần cộc, áo cánh, chiếc dao nhỏ trên tay, ông miệt mài cắt gọt, đắp vá biến những khối đất sét thành những mẫu hình hoàn chỉnh để dập khuôn thạch cao cho sản phẩm gốm mỹ nghệ được ông đặt tên là “đất nung”. Không kể 10 năm với nghề sành sứ trải qua nhiều nơi, hơn 20 năm theo nghề gốm mỹ nghệ tại quê nhà, ông đã tạo nên không biết bao nhiêu mẫu hình sản phẩm để cái tên “đất nung Lê Đức Hạ” được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến.

Một số những mẫu đèn - mặt hàng được ưa chuộng, được bán ra nhiều nơi. Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Nép mình bên lũy tre dọc theo bờ sông Thu Bồn ở làng Đông Khương (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), xưởng gốm của ông Lê Đức Hạ chỉ cách làng gốm cổ Thanh Hà chừng dăm cây số. Cả hai nơi làm gốm cổ và gốm mới này đều là điểm tham quan của du khách đến phố cổ Hội An ở bên dưới làng gốm Thanh Hà chừng hai cây số.

Từ mạch nghề ngàn năm

Chưa đến 7 giờ, những người thợ ở xưởng gốm của ông Hạ đã vào việc. Cánh thợ nam lo dọn lò để đưa sản phẩm vào nung. Còn cánh thợ nữ người lo tháo khuôn thạch cao, người lo chà nhám, tuốt bóng, phơi phóng sản phẩm. “Tụi tui tự xếp đặt lấy việc mà làm. Ổng tối ngày chăm vô việc tạo mẫu, ngó vất vả lắm”, chị Trang, người đã gần 20 năm làm ở xưởng của ông Hạ, vừa tháo khuôn thạch cao vừa nói.

Nhưng người chủ xưởng vừa chạm lục tuần có thân hình vạm vỡ như một lực điền tỏ ra đầy hứng khởi với công việc. Hai chiếc bàn tạo mẫu sản phẩm - một đặt ở ngôi nhà kiểu “tổ mối”, một đặt nơi mái trại không vách - đều bày đầy những mẫu hình bằng đất sét đang được ông phác thảo hay hoàn thiện, hễ rời chỗ này ông lại đến chỗ kia làm.

“Con sông Thu Bồn mở mạch cho cái nghề gốm, nghề sành sứ ở cái đất ni đó”, ông Hạ nói với vẻ khoan khoái khi ngọn gió từ phía sông thổi vào phần phật. Ông kể, một khách hàng người Canada đến tìm ông để nhờ làm khuôn cho một loạt mẫu hình sản phẩm đã cho rằng tháp Chăm như một chỉ dấu những khu vực có đất sét tốt cho nghề gốm, nó thường nằm kề những con sông lớn. “Đúng là người ở tận đâu mà có cái nhìn giỏi. Cái màu gạch đỏ au của “cây” tháp Bàng An ở bên trên làng tui khiến tui mê tháp Chăm từ hồi còn nhỏ”, ông nói.

Lấy ra những sản phẩm gốm đã nung xong, ông Hạ cho rằng sự kỳ diệu của gốm là ở sự tồn tại bền vững sắc màu của chúng. Nền văn hóa Sa Huỳnh được phát lộ qua những hiện vật gốm được khai quật dồn dập quanh châu thổ Thu Bồn từ những thập niên trước đã tạo thêm cho ông cảm hứng về gốm. “Nhìn những hiện vật gốm Sa Huỳnh tui như bị mê hoặc”, ông nói. “Chúng nằm vùi mấy ngàn năm dưới đất mà màu đất sét nung vẫn tươi rói, trông mỏng manh mà nhiều hiện vật đào lên vẫn còn nguyên. Gốm đúng là một phát minh lớn của người xưa!”.

Con đường gốm của ông Hạ trải qua chặng đầu khá dài với nhiều gian nan, thử thách. “Tui đến gốm mỹ nghệ từ đường sành sứ. Muốn đến chỗ mình đến, nhiều khi phải đi vòng mới được. Cực, nhưng có lợi”, ông nói, chỉ vào dãy đồ sành sứ đủ loại được bày ở căn gác thờ tổ phụ ở nhà ông. “Đồ của cha tui làm đó!”, ông nói. Cũng yêu quý nghề gốm Thanh Hà nơi vùng đất Thanh Chiêm quê mình từng một thời là dinh trấn, cha ông Hạ đã tiên phong mở ra nghề sành sứ ở đất Quảng thời 1945-1954, rồi góp phần phục dựng lại sau ngày hòa bình. Và ông đã học được ở cha mình những bài học đầu về nghề sành sứ sau khi rời quân ngũ từ chiến trường K.

Để sản phẩm “chảy” đi muôn phương

Ông Hạ đang hoàn chỉnh mẫu sản phẩm là tượng Đức Phật để dập khuôn thạch cao. Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

“Làm gốm mỹ nghệ khổ nhất là mình không được lặp lại cái (mẫu) cũ lâu. Phải luôn có cái mới”, ông Hạ nói bên khu trại đầy ứ những mẫu khuôn thạch cao. Phác hình, tạo mẫu, dập khuôn, chọn đất, làm đất, làm lò, cách đốt lò, cách nung sản phẩm, khâu nào trong gốm mỹ nghệ cũng đụng tới những kỹ thuật đặc thù, tinh tế. Và ông đều làm được hết. Đó là nhờ kiến thức nghề ông được học, được thực hành ở các xưởng sành sứ, xưởng gốm nhiều nơi, từ Quảng Nam quê nhà đến Huế, Bát Tràng, Hải Dương, Bình Dương...

Ông Hạ quan niệm, với gốm mỹ nghệ, khách hàng là người quyết định tuổi thọ, sức sống của sản phẩm trên thị trường. Bởi vậy, ông luôn nỗ lực cho ra sản phẩm mới lạ, đẹp, kích thích sự ưa chuộng của khách hàng. Tượng người, tượng thiên thần, tượng linh vật, đèn, chậu hoa, vật trang trí... theo các phong cách Việt, Chăm-pa, châu Âu..., mỗi loại có rất nhiều mẫu, nhiều kích cỡ, từ tả thật đến cách điệu. Điều nổi bật của gốm mỹ nghệ, theo ông Hạ, chính là màu tự nhiên của sản phẩm. Nguồn đất sét bên sông Thu Bồn có độ mịn, độ dẻo cao, có màu sắc tự nhiên tươi tắn là những yếu tố thích hợp cho gốm mỹ nghệ. “Nhờ rứa mà khi chưa nung, sản phẩm của tui đã có được vẻ đẹp riêng từ màu đất. Có một ít người thích mua một số sản phẩm chưa nung”, ông nói.

Ông Hạ còn làm chủ được việc tạo màu tự nhiên cho sản phẩm trong quá trình nung đốt trong lò. “Từ khoảng mười năm nay tui đã tạo được nhiều màu tự nhiên trên một sản phẩm bằng kỹ thuật nung tự mình rút ra được. Kỹ thuật nung này rất công phu nên tui chỉ làm một ít, đây là loại sản phẩm độc bản, có giá cao hơn, kén khách”, ông giải thích. Chính tính độc đáo này tạo được sự yêu chuộng của khách hàng, đặc biệt là khách nước ngoài - ông nói và chỉ vào những chiếc lọ có những sắc màu đậm nhạt đa dạng, những hoa văn mới lạ, duyên dáng.

Dù đã tạo nên tên tuổi với nghề gốm mỹ nghệ, ông Hạ vẫn luôn tìm tòi những thể nghiệm mới. Yêu quý tháp Chăm cùng những hiện vật ở đó - di sản đã cho ông những mẫu hình để tạo nên những sản phẩm được ưa chuộng - ông đã nghiên cứu chế tác những khối gốm, tức những “mảng gạch nung”, được điêu khắc tỉ mỉ và sau đó lắp dựng chúng thành một mô hình tháp Chăm có kích thước lớn. “Cũng nhờ tui làm đất nung lâu năm nên nghe tui nói về cách làm một mô hình tháp Chăm theo cách đó là người ta đặt tui làm liền”, ông Hạ kể lại việc ông làm mô hình tháp Chăm cho một khu resort ở quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng hồi năm 2012.

Ông Hạ chia sẻ, tuy vất vả nhưng ông cũng như công nhân ở đây đều say mê nghề này. “Cái đẹp của sản phẩm nó làm ai cũng yêu thích công việc”, ông nhận xét. Với ông, niềm sung sướng còn là việc tiếp nối được nền gốm xứ sở của tổ tiên bằng “một trang gốm mới”. Tất cả là sự kết nối vào những nền gốm hàng ngàn năm trước. “Làm gốm mới tui thấy càng trân trọng tài nghệ người xưa, từ người Sa Huỳnh, người Chăm cho đến ông cha mình. Rồi mình lại càng cố hơn nữa, sáng tạo thêm nữa”, ông Hạ nói. 

 

Nguồn: https://www.thesaigontimes.vn/300752/mo-trang-gom-moi-tren-nen-gom-co.html?fbclid=IwAR0ahI3ob0d9r4XirHIhI7u3X1iVI2NpRSYio_f0G2iC7XOJKR-MHpEA838

 

← Bài trước Bài sau →
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận