Tháp Chăm ở miền Trung vẫn còn nhiều điều bí ẩn, hấp dẫn, nhất là nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, những tinh hoa di sản làm nên giá trị muôn đời. Trên các tầng tháp ta thường thấy xuất hiện các gương mặt trông rất dữ tợn, đó chính là Kala, hay còn gọi là mặt nạ Kala. Các tác phẩm điêu khắc này được bố trí chủ yếu ở các vị trí như trên vòm cửa chính hoặc cửa giả của các tháp thờ, ở các góc của các tầng tháp, trên các mặt của đế tượng thờ, trên các phần đài thờ, trên các dải trang trí tại đế tháp.
Theo Ấn Độ giáo, Kala là thần thời gian, là hóa thân của thần Siva, tượng trưng cho sự hủy diệt của thời gian, lẽ vô thường, sự vật luôn biến đổi. Kala cũng là một danh xưng khác của Diêm Vương (Yama) hay thần chết. Đây là hình tượng con vật thiêng của giới quý tộc được các nghệ sĩ sáng tác phục vụ mục đích thờ cúng thần linh để cầu cho ngôi đền không bị thế lực u ám khác phá hoại, giữ cho những ngôi đền bền vững với thời gian. Đó là hình tượng con vật hoang đường, chịu ảnh hưởng rõ nét của nghệ thuật Java. Chỉ riêng trên khuôn mặt của Kala mà có sự kết hợp một số nét riêng trong diện mạo của các con vật như lân, rồng, sư tử…
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, mặt Kala tìm thấy nhiều nhất ở tháp G1 Mỹ Sơn. Phần diềm chân tháp có đến 54 mặt Kala đất nung kết thành dải vây quanh, trong đó có 15 mặt còn khá nguyên vẹn, có nhiều kích cỡ, thể hiện khá sinh động, đa dạng, đẹp mắt. Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cũng trưng bày và lưu giữ một số tác phẩm mặt Kala có nguồn gốc từ nhiều di tích Chăm ở miền Trung. Ở bảo tàng này còn có những tác phẩm điêu khắc độc đáo như tượng La Hán, tượng thần phát hiện ở di tích Phật viện Đồng Dương với bức phù điêu Kala nằm chính giữa bệ tượng. Kala có hàng lông mày nhiều lớp, ở cuối lông mày là những đường xoắn ngược lên trên, từ miệng buông ra tràng hoa lá xoắn xuýt, trên đầu cũng trang trí những trang hoa lá. Tại khu tháp E7, niên đại thế kỷ 7-8 thuộc khu di tích Mỹ Sơn, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy đầu ngói ống trang trí mặt Kala. Đặc biệt, tại đây có tác phẩm điêu khắc độc đáo, đó là Đài thờ thiên nữ Apsara Trà Kiệu, có niên đại khoảng thế kỷ 11. Tác phẩm điêu khắc này thể hiện mặt nạ Kala kết hợp với Makara, một loài thủy quái nửa rắn nửa rồng, con vật tùy thuộc của nữ thần Ganga, vợ thần Siva. Ở tháp Chiên Đàn, mặt Kala cũng được tìm thấy ở chóp tháp giữa và diềm mái của từng tháp trong nhóm 3 tháp. Một số bức phù điêu Kala được tìm thấy ở ngôi tháp này cũng được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Nam, thuộc bộ sưu tập gần 200 hiện vật điêu khắc Chăm được đưa về đây từ cuộc khai quật khảo cổ học vào năm 2000.
Trên địa bàn tỉnh Bình Định ngày nay, một thời là kinh đô Vijaya của Champa đang hiện hữu nhiều cụm tháp và tác phẩm điêu khắc có giá trị về văn hóa và nghệ thuật, trong đó tiêu biểu là những Kala bằng đất nung và đá sa thạch. Trên tầng tháp Dương Long, còn gọi là tháp Ngà có một khuôn mặt Kala đang phun ra rắn Naga, chim thần Garuda… Bảo tàng Bình Định đang lưu giữ và trưng bày nhiều phù điêu mặt Kala bằng đất nung. Đặc biệt, phù điêu Kala phát hiện ở khu di tích Lai Nghi, huyện Tây Sơn – nơi phát hiện nhiều lò gốm đất nung của người Chăm xưa. Phù điêu này thể hiện bộ mặt Kala với những chi tiết cực kỳ dữ tợn qua cặp mắt lồi, sừng nhọn và cong, hàm răng trên nhe ra với hai răng nanh nhọn sắc.
Kala trưng bày ở Bảo tàng Phú Yên là hiện vật cũng khá độc đáo được phát hiện tại di tích tháp Bà, có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 14, tại xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên năm 1993. Kala thể hiện với cái miệng rộng, môi trên mỏng và cong, răng chạm nổi chìa ra ngoài gồm có 6 răng cửa và 2 răng nanh to hơn mọc ở 2 bên mép trong đó răng nanh phía bên trái bị vỡ, râu quanh miệng dày và xếp thành các đường thẳng, cuộn râu xoắn hình móc. Hai bên miệng mỗi bên có 3 chiếc sừng ngắn, mọc ngược từ dưới lên, mũi to tròn, sống mũi gãy, mắt tròn lồi hẳn ra ngoài, đuôi mắt xếch, lông mi dày, đuôi lông mi cuộn hình xoắn ốc. Trán dồ có trang trí chuỗi hạt hình tròn gồm 13 hạt bờm dày xếp thành 5 lớp.
Theo các nhà nghiên cứu, Kala trên các tường tháp Chăm cùng là loại hình, đồng dạng với mặt nạ. Trong khi Kala trong kiến trúc chủ yếu có chức năng trang trí thì chiếc mặt nạ được sử dụng một cách linh hoạt hơn như hóa trang trong chiến đấu, làm đạo cụ trong các điệu múa, đeo trên mặt để thực hiện các nghi lễ tôn giáo. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn cho rằng, từ khi còn là quốc gia Lâm Ấp, người Chàm đã biết đến nghệ thuật hóa trang bằng mặt nạ. Trong quá khứ, mặt nạ mang hình dáng Kala của người Chàm có sự thâu nhận, ảnh hưởng và giao lưu với các nền văn hóa khác. Tại Bảo tàng Dân tộc học Osaka (Nhật Bản) còn lưu giữ một số hình ảnh diễn viên người Chàm mang mặt nạ. Phải chăng mặt nạ Tuồng của người Việt cũng bắt nguồn từ cách hóa trang trong kịch hát của người Chàm xưa. Người Cơ Tu sinh sống trên dãy Trường Sơn, từ thời xa xưa cũng có quan hệ, giao lưu văn hóa với người Chăm và là tộc người sử dụng mặt nạ hóa trang, nghi lễ, kiến trúc rất phổ biến. Họ phân biệt hai loại mặt nạ khác nhau: mặt nạ hiền, mặt nạ dữ. Những chiếc mặt nạ dữ để trang trí trên các công trình kiến trúc như nhà làng (Gươl), nhà mồ (Ping) thì rất giống với những chiếc Kala trên tường tháp Chăm với chiếc sừng, răng nanh nhọn, mắt lồi.
Người Chăm vốn tài hoa về điêu khắc. Họ để lại trong kho tàng di sản nhân loại nhiều kiệt tác điêu khắc, trong đó phải kể đến những gương mặt Kala – Matkara. Đến các tháp Chăm và các bảo tàng ở miền Trung như Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Bảo tàng Phú Yên, Bảo tàng Bình Định… du khách sẽ có dịp thưởng thức tác phẩm điêu khắc Kala mang dấu ấn đặc sắc của nền văn hóa Champa.
Viết bình luận
Bình luận