Nghệ nhân Lê Đức Hạ - Người thổi hồn cho gốm đất nung

Nghệ nhân Lê Đức Hạ - Người thổi hồn cho gốm đất nung

Thương hiệu Đất nung Lê Đức Hạ chính là sự giao hòa của Đất, Nước, Lửa, Gió và Con nguời xứ Quảng.

Khác với sản phẩm xương cao, men trắng của miền Bắc, hay sản phẩm tô men khắc vạch của Miền Nam. Cũng không như gốm Chăm Bầu trúc. Đất nung Lê Đức Hạ thô ráp thật thà, không pha trộn hóa chất trong hình thành màu sắc và trở thành đại diện cho một dòng gốm thô không men và nhiệt thấp của Miền Trung Trung Bộ. Những sản phẩm mang đậm dấu ấn của văn hóa Champa và bản sắc quê hương được nghệ nhân thổi hồn bằng cách nung đốt sản phẩm độc đáo kết hợp giữa dân gian và hiện đại.

 

Đất nung Lê Đức Hạ với màu đỏ chủ đạo, cùng với một loạt màu biến thiên của lửa, xin được giới thiệu đến bạn bè gần xa những sản phẩm trang trí nội ngoại thất như đèn vườn, đèn trụ, đèn áp tường, đèn treo, những sản phẩm trang trí trong nhà như tượng tròn, bình, lọ... và một loạt những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang hơi thở của đồng quê. Đặc biệt là những sản phẩm được chế tác từ nền văn hóa Chămpa đồ sộ.

Nghe nhan Le Duc Ha - gom dat nung lan

Hiện tại, cơ sở Đất Nung Lê Đức Hạ cũng là nơi thực hiện xuất sắc các lô hàng lưu niệm cho các di tích, các điểm du lịch, và làm quà biếu đặc thù cho các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước. Với chất liệu đất nung mộc mạc, giản dị, thân thiện với môi trường, những sản phẩm chịu được nắng, gió và nhất là chịu được nhiệt độ của bóng đèn, chống được sự rỉ sét của hơi nước biển.

Ngoài những sản phẩm cung cấp cho gần hai mươi cửa hàng trên cả nước, đất nung mỹ nghệ của ông còn là trung tâm cung cấp hàng lưu niệm cho khu di tích Mỹ Sơn, cung cấp hàng cho du lịch làng gốm cổ Thanh Hà, làm nên một Hội An cổ kính. Phía dưới các sản phẩm của ông luôn có một dòng chữ nhỏ Đất nung Lê Đức Hạ. Đến nay Lê Đức Hạ đã cho ra đời hơn 300 mẫu sản phẩm đất nung khác nhau như bình hoa, giá đèn, tháp, tư­ợng, phù điêu, linga, bình tháp, vũ nữ...

Nghệ nhân Lê Đức Hạ sinh tại làng Đông Khương, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Từ những năm 1936 người cha Lê Tuất của ông đã cùng với những người bạn chiến đấu của mình làm nên Lò chén Việt Quang, trung tâm tài chính cho Xứ ủy Trung kỳ thời bấy giờ. Vốn đam mê với đất và lửa, sau nhiều năm bôn ba với nhiều nghề khác nhau, Lê Đức Hạ quyết định trở về quê hương, chọn mặt hàng đất nung của cha ông để lập nghiệp.

Chiếc lò mini tự chế đã được mở tại nhà và công việc trước tiên được triển khai là việc sao chép những mẫu tượng Chăm. Sản phẩm rất đẹp, ai cũng thích nhưng không ai… mua. Rất nhiều người thân và bè bạn hoài nghi công việc lạ lẫm và sản phẩm của ông. Ông bắt tay thử nghiệm làm những con giống tí hon trang trí trên hòn non bộ. Lặng lẽ với khoảng thời gian dư thừa làm đồng áng, cần mẫn trau chuốt những con chim cò, nai, hổ được sơn vẽ y như thật. Ông trao cho vợ mẻ hàng đầu tiên mang ra Đà Nẵng chào hàng. Mặc dù giá bán không cao nhưng hạnh phúc nhất là Lê Đức Hạ đã tìm ra con đường để sống, để tiếp tục đam mê. Chiếc lò của nghệ nhân cứ thế lớn dần lên với những sản phẩm lưu niệm cùng sự phát triển của ngành du lịch thị xã Hội An.

Đất nung của Hạ - Tên bộ phim tài liệu do Đài truyền hình Đà Nẵng làm về ông, đã trở thành thương hiệu một dòng sản phẩm hiện đang tồn tại thịnh hành trên dải đất miền Trung. Website datnungcuaha.com đến nay đã hoạt động gần bảy năm và đã trở thành trang web “gối đầu” của những ai bán - mua hàng trang trí nội ngoại thất.

Lê Đức Hạ đã đem đến các các hội chợ lớn nhỏ trên cả nước những sản phẩm độc đáo, vừa xinh, lạ và hợp với túi tiền mọi người như hội chợ ở Móng Cái, Lào Cai, Qui Nhơn, Vũng Tàu, Phú Yên, Đà Nẵng. Những cuộc tao ngộ lớn như Festival Gốm sứ Bình Dương, Festival làng nghề ở Huế, Ngày hội làng nghề trong dịp Nghìn năm Thăng Long.

 

Ông đã làm ra một loại gạch Chăm tiêu chuẩn, được ứng dụng cho nhiều tháp ở miền Trung. Ngoài ra, ông cũng đang chuẩn bị trình làng dòng sản phẩm đất nung hun khói và tượng chân dung bằng đất nung đặc biệt.

Nghệ nhân Lê Đức Hạ đã hai lần đoạt giải Tinh hoa Việt Nam tại Ngày hội hàng Thủ công mỹ nghệ và sản phẩm văn hóa - Fetival Huế 2004 và Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đạt thành tích trong phong trào Thi đua Lao động sản xuất, kinh doanh và các nhiệm vụ công tác khác năm 2003 - 2004 do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp tặng. Tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen có thành tích trong công tác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2012, ông là một trong bốn người được tỉnh Quảng Nam đề nghị nhà nước phong tặng nghệ nhân ưu tú. Tuy nhiên, với ông, thương hiệu “Đất nung Lê Đức Hạ” mới là huân chương sáng giá nhất đời ông và công ăn việc làm cho 25 người thợ chính là phần thưởng vô giá.

Hy vọng trên cái Bến Xích của xóm Bãi thượng quê ông, đất nung sẽ đồng hành với những sản phẩm như đồng Phước Kiều - bê thui Cầu mống, mỳ quảng Phú Chiêm... Những gì Lê Đức Hạ đã làm cho quê hương, người dân có quyền hy vọng một làng nghề mới trong tương lai ở nơi đây.

Thảo Nguyên (Thể thao Việt Nam)

Nguồn: http://thethaovietnam.vn/nhan-vat-va-su-kien/nghe-nhan-le-duc-ha-nguoi-thoi-hon-cho-gom-dat-nung-403-113597.html

← Bài trước Bài sau →
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận